Đồng hành và phát triển cùng lịch sử dân tộc, qua bao biến thiên của thời cuộc, Phật giáo đã để lại nhiều giá trị tốt đẹp, với nét văn hóa riêng đặc trưng Việt Nam. Đồng thời, Phật giáo cũng đã đóng góp vào trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc một nguồn mạnh vô cùng to lớn và phong phú.
Chùa Đồng Yên Tử. Ảnh Internet
Thực tế lịch sử cho thấy, văn hóa Phật giáo là văn hóa giàu tính nhân văn, bác ái, vị tha và hướng thiện. Lý tưởng của Phật giáo là giúp con người thoát khổ, giáo dục tình thương yêu giữa con người với con người, giữa con người và môi trường thiên nhiên. Các nhà khoa học khẳng định, sự truờng tồn của Phật giáo trong hơn 25 thế kỷ qua được kết tinh lại không chỉ ở các triết lý và giáo lý cao siêu của nó mà còn lộ rõ ở sự vĩnh hằng của những giá trị nhân văn mang tính toàn nhân loại, và được hội tụ trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo.
Văn hóa Phật giáo – thành tố kiến tạo và các giá trị di sản đặc trưng
Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, Phật giáo đã thích ứng nhuần nhuyễn với phong tục tập quán bản địa và nhờ đó, những tinh hoa của giáo lý Phật giáo tìm được môi trường thích hợp để đơm hoa, kết trái. Và văn hóa Phật giáo đã trở thành một bộ không thể tách rời của di sản văn hóa Việt Nam.
Văn hóa Phật giáo – thành tố kiến tạo
Cố GS. Trần Quốc Vượng – một học giả nổi tiếng của Việt Nam đã trình bày quan điểm về văn hóa tôn giáo trên Nguyệt san Công giáo dân tộc, số 1/1989. Theo ông, “Ở trung tâm mỗi tôn giáo lớn đều có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo – thành tựu văn hóa lớn nhất của loài người. Cái “từ bi” của nhà Phật, cái “bác ái” của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa của Khổng Nho là hạt ngọc văn hóa, tôi thấy thế này: Xét theo quan điểm lịch sử phát sinh và trưởng thành, tôn giáo vừa là sản phẩm của văn hóa, vừa là thành phần hữu cơ, một nhân tố cấu thành văn hóa”.
Theo cách tiếp cận như trên, chúng ta có thể hình dung một số đặc điểm, tính chất mang tính kiến tạo của văn hóa Phật giáo trong bức tranh văn hóa Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Phật giáo vừa là tôn giáo, vừa là hệ tư tưởng và vừa là văn hóa, đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội của Việt Nam hàng ngàn năm qua.
Du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, Phật giáo tồn tại chủ yếu ở cấp độ tâm lý và văn hóa tôn giáo nhiều hơn là một hệ thống nghiêm ngặt những giới luật và thiết chế. Đại đa số người dân không thuộc kinh Phật ngoài mấy câu “Nam mô A Di Đà Phật” hay “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”, song họ đều cảm thấy rất mãn nguyện, hướng tới Phật với niềm tin sâu sắc rằng mọi khổ đau, bất trắc sẽ được diệt trừ. Điều này đã được cố GS. Trần Văn Giàu khẳng định, “Phật giáo phổ biến trong đại đã số nhân dân. Người dân không biết gì về triết lý cao xa của Phật mà chỉ biết cầu phúc, chỉ biết chuyện quả báo, luân hồi. Từ lâu, triết lý Phật giáo trở thành một thứ đạo đức học từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, là hạt nhân, chúng sinh có thể hiểu và làm được, không cao xa, rắc rối như triết lý Phật giáo nguyên thủy. Tu thân, tích đức ở kiếp này để an vui, hưởng phúc ở kiếp sau”.
Thứ hai, Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã ít nhiều được bản địa hóa. Phật giáo đã hòa quyện với tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác, cùng với văn hóa bản địa kiến tạo nên một nền văn hóa, sinh hoạt tôn giáo đa dạng. Sự giao thoa giữa tôn giáo ngoại sinh và tín ngưỡng bản địa đã phản ánh quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, trong đó, tính dân tộc và tính quốc tế luôn có sự đan xen lẫn nhau.
Thứ ba, Phật giáo về cơ bản có khuynh hướng “chung sống hòa bình” với các tôn giáo khác. Ở Việt Nam, hiện tượng hỗn dung tôn giáo (Nho – Phật – Lão) được các nhà khoa học khằng định là một đặc trưng nổi bật của văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng. Khi Kitô giáo, Tin lành và Hồi giáo xuất hiện, thì các tôn giáo ở Việt Nam vẫn cùng song song tồn tại trong hòa bình, có chung một mục đich lớn là góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.
Thứ tư, Việt Nam chắt lọc từ triết lý Phật giáo những yếu tố thích hợp với điều kiện lịch sử – xã hội của đất nước để tạo lập tinh hoa văn hóa dân tộc.
Văn hóa đạo đức của Phật giáo góp phần làm nảy sinh và khích lệ thái độ yêu thương đồng loại và niềm kiêu hãnh của con người, khiến chúng ta quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc của người khác, trong phạm vi gia đình, cộng đồng xã hội và xa hơn nữa là cả nhân loại. Từ bi và trí tuệ trong Phật giáo đã trở thành chất liệu nuôi dưỡng, giúp cho tâm Phật tử an lạc và hạnh phúc, vì thế, nó có khả năng kết nối lòng người và đoàn kết xã hội.
Cái hay nhất ở Đạo Phật chính là tất cả vì con người, tin ở con người, ở lý trí của con người biết phán xét phải trái, ở trái tim của con người biết yêu thương đồng loại, ở ý chí của con người vươn tới cái tối thiện.
Thứ năm, với khả năng “gắn đạo với đời”, “đồng hành cùng dân tộc”, Phật giáo đã có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhiều tu sĩ đã bỏ áo cà sa, sẵn sàng nhập thế, cầm vũ khí cùng quân dân cả nước đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Ở một số thời kỳ lịch sử, Phật giáo đã phát huy ảnh hưởng như “nguồn năng lượng” thúc đẩy sự phát triển, thậm chí còn chi phối tư tưởng và học thuật, văn học, nghệ thuật của đất nước như dưới các triều đại Lý – Trần, thế kỷ X – XIV.
Từ những đặc trưng văn hóa nêu trên, có thể khẳng định, trong lịch sử hàng ngàn năm du nhập vào Việt Nam, văn hóa Phật giáo đã bắt rễ sâu vào văn hóa dân tộc và có vai trò to lớn trong việc liên kết lòng người, đoàn kết quốc gia, là tài sản quý giá trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Văn hóa Phật giáo – Các giá trị di sản văn hóa đặc trưng
Lịch sử phát triển đã chứng minh Phật giáo đã để lại dấu ấn sâu đậm cả về “văn minh vật chất và văn minh tinh thần” của dân tộc. Điều chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nhất chính là sự dung hội giữa tâm hồn Việt Nam và giáo lý căn bản của đạo Phật. Điều này thể hiện rất rõ rằng, Phật giáo không là tôn giáo mà còn được coi là lối sống, đạo đức, “thứ năng lượng nuôi sống tâm hồn con người”. Giá trị phổ quát nhất của mà Phật giáo mang lại chính là khẳng định khả năng con người dựa trên nghị lực của bản thân để đạt tới chân lý và giác ngộ… và vì thế, văn hóa Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
– Di sản văn hóa vật thể
Người Việt Nam thường nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc”, cách nói này càng khẳng định thêm vai trò hết sức quan trọng nhưng cũng rất gần gủi giữa đạo với đời, giữa Phật giáo với nhân dân, đất nước.
Từ trong lịch sử cho đến ngày nay, Phật giáo đã tạo dựng nên một hệ thống kiến trúc, tượng pháp, đồ tế khí, câu đối… đặc trưng, vừa mang tính kế thừa, vừa phát triển đã tạo nên những nét đặc trưng riêng khá điển hình như kiến trúc ở thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn,… Về mặt kiến trúc nghệ thuật, nhiều chùa Phật giáo xứng đáng được tôn vinh với tư cách là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và những “bảo tàng nghệ thuật” sống.
Ở trong mỗi ngôi chùa có Phật điện với hệ thống tượng Phật, Bồ tát mà mỗi pho tượng là một tác phẩm điêu khắc gỗ hoàn chỉnh, được sắp xếp theo một trật tự nhằm chuyển tải lịch sử tư tưởng, giáo lý Phật giáo.
Không gian văn hóa của chùa Phật giáo khá chuẩn mực, mang tính hệ thống và tổng hợp, gắn bó hữu cơ giữa kiến trúc, điêu khắc, hội họa và cảnh quan thiên nhiên (Tam quan, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, gác chuông, điện Mẫu…). Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2012, có 788 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia trên tổng số 3.374 di tích của cả nước.
Di sản văn hóa phi vật thể
Phật giáo lấy tư tưởng giáo lý về hòa bình, từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha làm kim chỉ nam hành động, và với tinh thần phụng sự đạo pháp, dân tộc phù hợp với xu thế và sự phát triển chung của đất nước. Đó chính là nền tảng đạo đức cốt lõi và tốt đẹp trong giáo lý Phật giáo và cũng là nét riêng có của Văn hóa Việt Nam.
Văn hóa đạo đức là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Phật giáo. Từ, bi, hỉ, xả trong Phật giáo là “liều thuốc” làm trong sáng hơn đời sống tinh thần, trong đó có đời sống tâm linh của Phật tử trước áp lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cũng như sự cạnh tranh quyết liệt vì lợi nhuận trong kinh tế thị trường. GS. Hoàng Như Mai nhận xét: “Nếu những giới luật của đạo Phật mà được thấm nhuần một phần nào vào nhân loại thì xã hội sẽ giảm đi biết bao nhiêu tội ác và cuộc sống sẽ hướng thiện, thuận hòa hơn”.
Với tư tưởng khoan dung, hòa bình, khuyến thiện, ngừa ác, văn hóa đạo đức Phật giáo sẽ góp phần thức tỉnh lương tri con người, làm cho con người được sống trong hòa bình, nhân ái, chủ động phòng ngừa cái ác và hiểm họa chiến tranh hạt nhân cũng như khủng bố quốc tế và xung đột sắc tộc, tôn giáo. Trong một quốc gia, khát vọng sống yên bình trên một đất nước thành bình chỉ được hiện thực hóa khi đời sống được xây dựng trên nền tảng đạo đức “vô ngã, vị tha”, để từng cá nhân trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của xã hội.
Điểm nổi trội và thuyết phục trong văn hóa Phật giáo Việt Nam ở một số khía cạnh như: Không chấp nhận một đấng tối cao toàn năng; Không chấp nhận giáo điều, niềm tin mù quáng; Không thiên về giáo lý mà khuyến khích con người hành động.
Trong giáo dục, Phật giáo khuyến khích lối sống đạo đức theo hướng từ – bi – hỉ – xả, với mô thức vận hành mềm dẻo, linh hoạt. Cụ thể, trong Giới luật, Phật giáo chủ trương không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không rượu chè, cờ bạc, nghiện hút…; Giữ giới luật Phật giáo là thực hành đạo đức, là điều kiện để có tự do, tự tại trong Thiền – Định – Tuệ, giữ cho tâm tĩnh lặng, tìm lại sự cân bằng về tâm lý và sự an lạc cho bản thân mình; Hay như trong làm từ thiện là để nhằm dâng hiến tình thương một cách thầm lặng, không vì danh lợi trên nguyên lý “vô ngã vị tha”.
Có thể nói, như vậy là đạo Phật không tách rời cuộc đời của chúng sinh, đạo và đời là nhất thể, cho nên con người cũng trở thành trung tâm giáo dục của Phật giáo. Mục tiêu cao đẹp của Phật giáo là giáo dục để chuyển hóa con người từ mê lầm đến giác ngộ, giải thoát, tức là đến với đời sống hạnh phúc và an lạc
Các nghi lễ/lễ hội Phật giáo là một thành tố văn hóa mang giá trị di sản văn hóa phi vật thể như Lễ Phật đản, lễ Vu Lan… Các hoạt động văn hóa tiêu biểu này xoay quanh một thiết chế văn hóa đặc thù là ngôi chùa thờ Phật – không gian văn hóa, tâm linh. Tham gia nghi lễ, lễ hội, phật tử vân tập về chùa, tu tập, học hỏi giáo lý, thực hành Phật sự và phát triển đời sống tâm linh…
Như vậy, chúng ta thấy, di sản văn hóa phi vật thể của Phật giáo hàm chứa các giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của nhà Phật mà hạt nhân chính là: Đức tin – Tình thương – Trí tuệ. Đó cũng là giá trị văn hóa phi vật thể tốt đẹp nhất mà Phật giáo đã cống hiến cho Việt Nam và thế giới.
Di sản văn hóa Phật giáo và những thách thức trong việc bảo tồn
Các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể của Phật giáo đều có sự tiếp nối, kế thừa truyền thống hơn hai nghìn năm, qua các triệu đại… và tạo nên các tầng văn hóa khác nhau khá phong phú cho đến ngày nay. Vốn là một thành tố quan trọng trong chỉnh thể văn hóa dân tộc Việt Nam, vì vậy việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Phật giáo là hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Trong khuôn khổ của tham luận này, chúng tôi xin nêu ra 3 vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay trong bức tranh di sản văn hóa Phật giáo, đó là Pháp phục, Kiến trúc và Ngôn ngữ Phật giáo
Về Pháp phục: nếu chỉ ở trong nước không mấy người để ý về pháp phục của tu sĩ xuất gia Phật giáo (Bắc tông), nhưng vì sự giao lưu ngày càng rộng với Phật giáo quốc tế, khi đi ra nước ngoài, pháp phục Phật giáo Việt Nam dễ nhầm với pháp phục Phật giáo Trung Quốc. Một số vị xuất gia hiện nay, đã mặc y áo, đi giày vải giống các vị sư Đài Loan, Trung Quốc, càng làm cho vẻ bề ngoài sư Việt Nam giống sư Trung Quốc hơn. Đành rằng Phật giáo không chấp về hình tướng nhưng hình thức cũng phản ảnh một phần nội dung.
Về Kiến trúc: Trước đây, do điều kiện phương tiện có hạn chế, chùa Việt thường được xây dựng trong bố cục không gian vừa phải phù hợp với không gian làng quê. Kiến trúc, tượng pháp, đồ tế khí, câu đối…tùy thời, vừa kế thừa, vừa phát triển đã tạo nên những nét đặc trưng riêng khá điển hình như kiến trúc ở thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn,… Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, việc xây dựng chùa được quan tâm của nhiều người nhưng chùa được xây dựng theo cách riêng của mỗi nơi không có mẫu riêng của kiến trúc, tượng pháp cũng ít theo khuôn mẫu cụ thể. Sự đa dạng đang phong phú nhưng phong phú theo tính tự phát, không định hướng sẽ dẫn tới việc không tạo nên văn hóa Phật giáo đặc trưng Việt trong kiến trúc của một giai đoạn lịch sử. Một số chùa làm theo lối kiến trúc chùa nước ngoài như ở chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Bái Đính (Ninh Bình); tượng pháp nhiều chùa cũng thỉnh từ nước ngoài hoặc làm theo nguyên mẫu tượng ở nước ngoài…, nhiều chùa xây mới nhưng không viết tên chùa bằng tiếng Việt,… “Cái đẹp” đó đang làm cho chuẩn mực kiến trúc, điêu khắc, hội nhập Phật giáo Việt hiện nay đi theo hướng hòa nhập với văn hóa ngoại lai.
Về Ngôn ngữ: kinh điển giáo lý Phật giáo đã được Việt hóa khá nhiều nhưng hiện tại còn không ít vấn đề trong ngôn ngữ Phật giáo hiện nay. Phần nhiều kinh sách chữ Việt nhưng âm Hán, làm cho số đông người đọc, người tu ít hiểu, vì chưa được chuyển nghĩa cho dễ hiểu, hiểu đúng. Một số chùa xây mới nhưng sử dụng câu đối chữ Hán cho ra vẻ cổ kính. Văn sớ lại được viết bằng chữa Hán cho linh nghiệm,… Đành rằng, hội nhập là cơ hội tốt để học và vận dụng cái hay của quốc tế. Tuy nhiên, một số việc làm đã nêu do chưa hiểu tác hại, vô tình cổ súy cho hội nhập văn hóa, cái mà hàng ngàn năm trước cha ông ta đã biết để tránh xa sự đồng hóa thì nay một số người lại xiển dương xem đó như là một sự “hiểu biết”.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà tu hành cũng thấy đây là vấn đề cần phải khắc phục để văn hóa Phật giáo đúng với giá trị văn hóa hàng nghìn năm qua của dân tộc. Tuy nhiên, những tồn tại ấy cần có thời gian, sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành, Giáo hội Phật giáo các cấp và đông đảo tăng ni, phật tử. Thông qua những việc làm cụ thể của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể phát động xu hướng Việt hóa kinh điển, nội dung triết lý Phật giáo, làm sao càng dễ đọc, dễ hiểu, phổ biến được nhiều người càng tốt.
Bởi vậy, điều cần thiết là chúng ta nên đưa ra các quy định mới về việc trùng tu, xây mới chùa thì ngôn ngữ thể hiện như tên chùa, câu đối… nên dùng tiếng Việt để mọi người cùng đọc được và hiểu nội dung khi đến thăm chùa, lễ Phật. Hay đối với kiến trúc, gần đây nhiều nơi phấn đấu để đạt kỷ lục chùa to nhất, tượng Phật lớn nhất… nhưng xét thấy điều đó là không cần thiết. Thay vì thế, chúng ta có thể đưa ra những quy định, quy phạm, thống nhất về các kiểu dáng, khuôn mẫu điển hình cho các hệ phái, qua đó sử dụng họa tiết, hoa văn đặc trưng cho văn hóa vùng miền, thời kỳ lịch sử… để chùa là nơi lưu giữ hồn dân tộc. Nhiều người cho rằng, pháp phục của nhà tu hành khi chúng ta lầm tưởng với các quốc gia lân cận, đó cũng chỉ là thói quen trong sinh hoạt hàng ngày nên cần thiết có thể tham khảo ý kiến xã hội, tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu cho phù hợp với người Việt, văn hóa và phong tục tập quán nhiều đời nay của chúng ta.
Có thể nói, loại hình di sản và việc nhận diện đặc trung di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đóng vai trò, giá trị trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và đời sống văn hóa xã hội nên việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo là đặc biệt cần thiết.
Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, thông qua những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo tăng, ni, phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng, Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng và trưởng thành cùng dân tộc. Với những ý nghĩa đó, việc nhìn nhận đúng giá trị di sản văn hóa Phật giáo, cũng như văn hóa Phật giáo nói chung là điều rất cần thiết. Đó cũng là cơ sở đánh giá giá trị, để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp, mang đậm bản sắc của văn hóa Phật giáo hiện nay.
Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 21,066 cơ sở tự viện, trong đó có 99 cơ sở tự viện đại trùng tu từ khi thống nhất Phật giáo năm 1981 đến nay, 399 cơ sở được công nhận là di sản Văn hóa cấp quốc gia và hàng trăm cơ sở là di tích Văn hóa cấp tỉnh, thành. Do đó, vấn đề phân cấp quản lý cần thực hiện có khoa học, tránh tình trạng chồng chéo, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm trong quá trình tu bổ, dẫn đến hoang phế.
Đối với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phập giáo, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã nhận định với vai trò là một hình thái ý thức xã hội, Phật giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống và góp phần hình thành đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa Phật giáo Việt Nam là một thành tố quan trọng trong chỉnh thể văn hóa dân tộc Việt Nam, vì vậy việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Phật giáo là hết sức quan trọng. Do đó, muốn bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo rất cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn di sản mà trước hết là cho tăng ni, phật tử. Những người thực hành đạo Phật chẳng những cần nắm vững giáo lý đạo Phật, biết cách hướng dẫn tu tập cho phật tử mà còn phải được đào tạo đủ năng lực làm lành mạnh hóa các sinh hoạt Phật giáo.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã giao thoa và dung hòa với các tập tục địa phương, với các thần linh bản địa có trước, làm cho Phật giáo Việt Nam mang nhiều sắc thái, có mặt tích cực và cả mặt tiêu cực. Nên việc phân biệt rõ ràng rồi lựa chọn để bảo vệ những giá trị văn hóa Phật giáo đích thực và các yếu tố tích cực đã tồn tại là điều rất cần thiết.
Kết luận: Có thể khẳng định, dù dưới góc nhìn nào, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn là dòng chảy song hành với dân tộc, văn hóa Phật giáo đã ăn sâu gốc rễ trong lòng dân tộc tộc, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Vì thế, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, ngoài pháp luật và các quy luật của kinh tế thị trường, chúng ta rất cần khai thác và phát huy các giá trị trong di sản văn hóa Phật giáo, qua đó góp phần phục vụ thiết thực mục tiêu quan trọng hàng đầu là giáo dục, đào tạo, dung dưỡng, chăm sóc và phát huy cao nhất năng lực của con người Việt Nam trong thời đại mới.
Thanh Xuân – Bùi Đạt