Kính thưa quý vị đại biểu
Thưa quý vị khách quý
Trong không khí vui tươi phân khởi chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta tổ chức lễ ra mắt và công bố quyết định thành lập Trung tâm UNESCO nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam. Chúng tôi vui mừng và vinh dự được chào đón quý Chư tôn đức Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), quý vị đại biểu, quý vị khách quý cùng toàn thể quý vị đã quan tâm dành thời gian tham dự buổi lễ.
Thay mặt Ban tổ chức, tôi gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất tới quý chư tôn đức GHPGVN, quý vị đại biểu, quý vị khách quý, cùng toàn thể quý vị.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Tổ chức UNESCO đã có một nhận định rất xác đáng rằng: “Bất kỳ một chiến lược phát triển nào cũng đều phải tính đến nhân tố văn hoá để bảo đảm một sự phát triển cân đối”, UNESCO cũng đã đi đến thống nhất về tính cấp bách của vấn đề bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, tôn giáo và xem đó là nhịp cầu nối với tương lai. Theo UNESCO, việc bảo tồn bản sắc văn hóa chính là giải pháp tốt nhất để kháng lại những tác động tiêu cực của nền văn hóa công nghiệp đang có nguy cơ san bằng và làm đồng nhất các giá trị văn hóa truyền thống, làm suy yếu sức sống và khả năng sáng tạo của các dân tộc.
Vì vậy, UNESCO đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tự nhiên có giá trị quý báu đối với toàn thể nhân loại. Với Việt Nam, việc UNESCO công nhận các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên thế giới như; Cố đô Huế, di tích Mỹ Sơn, vịnh Hạ Long, Cồng chiêng Tây Nguyên… không chỉ là một kênh quan trọng giới thiệu văn hóa Việt Nam ra cộng đồng thế giới mà còn tạo ra các “thương hiệu” quốc tế, tạo ra các nguồn thu không nhỏ từ du lịch, làm biến đổi bộ mặt đời sống tinh thần, xã hội của người dân và địa phương nơi có di sản. Có thể nói, điều lớn nhất mà UNESCO mang lại chính là làm dấy lên ý thức tôn trọng, yêu quý và bảo vệ di sản của toàn xã hội.
Điều đó càng khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa đã và đang có những bước phát triển tích cực. Những ý tưởng, chủ đề văn hóa khác nhau mà UNESCO đề ra như cổ vũ cho sự “đa dạng văn hóa”, “văn hóa hòa bình”, “đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”… đều rất phù hợp với truyền thống khoan dung, cởi mở, hòa hiếu, hòa bình của dân tộc ta, được chúng ta đồng tình hưởng ứng và đóng góp tích cực, có trách nhiệm. Theo đó, chúng ta đã xem “Văn hóa là nguồn nội sinh, vừa là động lực vừa là mục tiêu và hệ điều tiết của phát triển kinh tế – xã hội”. Nội dung Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thể hiện tầm cao mới về lý luận của Đảng đối với vai trò của văn hóa trong phát triển, trong đó có sự đóng góp tích cực từ các ý tưởng, chủ đề do Liên Hợp Quốc và UNESCO phát động.
Việt Nam là quốc gia có đời sống văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng vô cùng đa dạng và phong phú. Người dân chúng ta có truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng từ lâu đời… Đó là một phần cốt yếu và quan trọng của văn hóa dân tộc, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn và sức sống Việt Nam.
Các di sản văn hóa chính là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hun đúc, xây dựng qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước cũng như trải bao thăng trầm của lịch sử, đó là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Kho tàng di sản văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng truyền thống đồ sộ đó không chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng mà còn đem lại những giá trị to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội – đối ngoại.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đã góp phần thúc đẩy giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc và các tôn giáo ở Việt Nam; để lại cho đời sau, quảng bá hình ảnh di sản, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, giáo dục, và thẩm mỹ của di sản và văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa vùng miền, khu vực, và hợp tác phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Việt Nam thể hiện vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Dù vậy, trải qua những thăng trầm của lịch sử phát triển của đất nước, đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc, một phần bom đạn và thiên tai đã khiến nhiều công trình, cơ sở tôn giáo và tín ngưỡng bị xâm hại. Quá trình phát triển, cùng với những thành tựu đạt được, hoạt động phục hồi, tu bổ tại một số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cũng phạm không ít thiếu sót. Phần do tự phát, phần theo yêu cầu bức thiết của đời sống tâm linh đã làm sai lạc truyền thống, mất đi giá trị vốn có của di sản… Đó là những nốt “trầm” khiến chúng ta phải trăn trở.
Không để tình trạng đó tiếp diễn, điều cấp thiết là chúng ta cần phải đoàn kết lại, cùng chung sức nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để tìm ra các giải pháp tốt nhất nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa và di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Trung tâm UNESCO nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam hình thành sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học chuyên ngành, liên ngành, các chuyên gia, nhà quản lý với các tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo, các chức sắc, đồng bào tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống.
Để phát huy thế mạnh đó, bên cạnh việc phát huy sứ mệnh cao đẹp của Tổ chức UNESCO, bám sát chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo và các chỉ đạo chung của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Trung tâm UNESCO nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam sẽ chủ động phối hợp với các tổ chức, các cấp, các ngành, các cơ sở tôn giáo – tín ngưỡng và cộng đồng xã hội nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn nhằm cùng nhau bảo vệ, gìn giữ và quảng bá hiệu quả các giá trị văn hóa tôn giáo – tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.
Trước mắt, từ 23 tháng 4 đến 02 tháng 5 năm 2021, Trung tâm sẽ phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Bảo tàng Việt Nam… khảo sát, nghiên cứu, thu thập tư liệu một số cơ sở tôn giáo tiêu biểu; tọa đàm với Ban trị sự GHPGVN một số tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và triển thực hiện hội thảo: “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng và thực hiện đề án đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam” …
Về định hướng lâu dài, Trung tâm sẽ chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, của các tổ chức tôn giáo – tín ngưỡng đối với việc bảo vệ các giá trị văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống; Tăng cường năng lực chuyên môn, đa dạng hoạt động nghiên cứu, cùng các nhà khoa học, nhà chuyên môn, nhà quản lý triển khai thu thập tư liệu, tổ chức các Hội thảo, Tọa đàm chuyên đề cũng như phối hợp đưa ra các định hướng nghiên cứu cụ thể để có kiến nghị các giải pháp bảo vệ phù hợp đối với các di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Lễ ra mắt Trung tâm diễn ra trong bối cảnh đất nước chúng ta đang phát triển với nhiều thuận lợi và những thời cơ mới. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo phát triển văn hóa – đạo đức xã hội; các tổ chức tôn giáo cũng như đời sống tín ngưỡng đều có những bước phát triển vượt trội, tất cả đều tác động sâu sắc đến nhận thức, hành động của mỗi thành viên, hội viên cũng như các mặt công tác của Trung tâm… điều đó càng thôi thúc chúng tôi phải đoàn kết, quyết tâm và sáng tạo nhiều hơn để từng bước đưa Trung tâm phát triển vững mạnh.
Chúng tôi nhận thức rằng, với một đơn vị vừa mới hình thành còn non trẻ và nhiều thiếu thốn, song lại đón nhận được sự quan tâm và giúp đỡ nhiệt thành; sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, đồng bào các tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc… đã giúp Trung tâm từng bước ổn định và chính thức được ra mắt quý vị ngày hôm nay. Vẫn biết rằng, nhiệm vụ trước mắt còn nhiều khó khăn và thách thức, song Trung tâm xác định sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo, với các cơ quan, ban, ngành, các nhà khoa học nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, từng bước khẳng định vai trò, vị thế và uy tín, đáp ưng yêu cầu và nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng và của toàn xã hội.
Xin thay mặt cho ban tổ chức, Tôi trân trọng thông báo lễ ra mắt Trung tâm UNESCO nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam chính thức được khai mạc.
Một lần nữa xin Kính chúc quý Chư tôn đức, quý vị đại biểu, quý vị khách quý và toàn thể quý vị dồi giào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!