Quang lâm chứng minh và tham dự chương trình có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện chủ chùa Minh Đạo; Đại đức Thích Minh Ân – Phó Tổng Biên tập Kênh thông tin tổng hợp Phật sự Online, Chánh Thư ký Ban trị sự GHPG Quận 3, Trụ trì chùa Minh Đạo. Chương trình giao lưu nghệ thuật còn có sự hiện diện của bà Lê Thị May – Chuyên viên chính, Ban công tác phía Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Phạm Hoàng Thịnh – Trưởng VPĐD Phía Nam Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Xuân – Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam; ĐĐ Thích Minh Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm, Trụ trì chùa Tân Đức (Bến Tre) cùng đông đảo chư tôn đức, tăng, ni, các nghệ sĩ, ca sĩ, đoàn ca múa nhạc và bà con phật tử.
Ngày 15-12-1999 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 54, mục 174 của chương trình nghị sự, Liên hợp quốc đã chính thức công nhận tổ chức Đại lễ Phật đản hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn) là ngày lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới của tổ chức lớn nhất nhất hành tinh.
Đại lễ Phật đản là một trong các hoạt động văn hóa quốc tế nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Tại Việt Nam, hoạt động chào mừng đại lễ Phật đản diễn ra sôi động ở nhiều cơ sở, tổ chức giáo hội Phật giáo trên nhiều tỉnh/thành phố. Hòa trong niềm vui chung đó cùng Chư tôn đức Tăng, Ni và đồng bào phật tử cả nước, Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam – chùa Minh Đạo đã tổ chức thành công chương trình nghệ thuật đặc biệt ý nghĩa này. Sự kiện đã thu hút đông đảo bà con phật tử, các khách mời và cùng toàn thể đại biểu về dự.
Trong bài phát biểu cảm tạ tại chương trình giao lưu nghệ thuật, ông Nguyễn Thanh Xuân – Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam đã nhấn mạnh: “Đức Phật đản sinh, Thành đạo đã để lại cho nhận loại một kho tàng di sản vô cùng có giá trị, ở đó là từ bi, hỷ xả, vì lợi lạc của chúng sinh, vì đạo pháp và dân tộc… Thực tế, sau hơn 2500 năm du nhập và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo ở nước ta đã thích ứng nhuần nhuyễn với những phong tục tập quán bản địa, và nhờ đó, những tinh hoa giáo lý Phật giáo tìm được môi trường thích hợp để đơm hoa, kết trái. Và văn hóa Phật giáo đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa Việt Nam”.
Ông Nguyễn Thanh Xuân – phát biểu cảm tạ kết thúc buổi lễ
“Thông qua chương trình nghệ thuật này, chúng ta một lần nữa tôn vinh những giá trị và đóng góp tích cực của văn hóa Phật giáo,… qua đó mang lại cho công chúng cái nhìn sâu sắc và ý nghĩa về các giá trị di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam. Cũng thông qua chương trình này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa Phật giáo là cần thiết hơn lúc nào hết, chỉ có như vậy, chúng ta mới phát huy tiềm năng to lớn thực sự từ các di sản ấy” – ông Xuân nhấn mạnh.
Thực tế, Tổ chức Khoa học – Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (gọi tắt là UNESCO) đã có nhận định xác đáng về vai trò của văn hoá rằng: “Bất kỳ một chiến lược phát triển nào cũng đều phải tính đến nhân tố văn hoá để bảo đảm một sự phát triển cân đối”.
Cũng bởi nhờ coi trọng yếu tố văn hóa, và truyền thống tốt đẹp mà Việt Nam chúng ta đã tạo dựng được hình ảnh một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Là thành viên của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, tuy ra đời muộn hơn so với các thành viên khác, nhưng Trung tâm UNESCO nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam đã không ngừng phát triển về chất lượng, số lượng hội viên tham gia ngày một tăng lên, trở thành một trong những đơn vị hoạt động sôi nổi và đang trở thành một lực lượng xã hội có uy tín. Trung tâm cũng là nơi chuyển tải các mục tiêu lớn của Ủy ban UNESCO quốc gia, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, cũng như những tư tưởng tiến bộ của UNESCO tới các tổ chức, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và quần chúng nhân dân.
Khác với đa số các tổ chức xã hội khác hiện có ở nước ta, hầu hết là các tổ chức nghề nghiệp, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam nói chung và Trung tâm UNESCO nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Tôn giáo và Tín ngưỡng Việt Nam nói riêng là một tổ chức đa dạng về nghề nghiệp và thành phần xã hội, là một nơi tập hợp đoàn kết trí tuệ, là nơi vận động sự đóng góp kinh nghiệm, sức lực và trí tuệ của quần chúng nhân dân một cách “tự nguyện” cho sự nghiệp chung, là nơi truyền bá cho nhân dân tư tưởng khoan dung của UNESCO, là một đầu mối để đoàn kết cộng đồng…
Không Ngộ