Tôn giáo tín ngưỡng Thăng Long – Hà Nội, trong chừng mực nhất định, góp phần không nhỏ vào việc đào luyện tính cách và lối sống của người Thăng Long – Hà Nội. “Con người góp phần quyết định tạo ra cái “không gian thiêng” cho chính mình và cộng đồng và ngược lại, chính cái không gian thiêng ấy lại góp phần không nhỏ đào luyện chính họ. Với Thăng Long-Hà Nội cũng vậy” (GS Đỗ Quang Hưng).
Ảnh minh họa
Tín ngưỡng Việt Nam có đặc điểm là sự dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo, Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian. Đặc điểm này càng được thể hiện rõ trên đất Thăng Long. Nguyên nhân sâu xa của sự dung hợp này là truyền thống yêu thương giúp đỡ nhau trong nhân dân, là tinh thần khoan dung của dân tộc và thái độ không thành kiến với những người khác mình về tư tưởng, quan điểm cũng như về tín ngưỡng. Người ta không vì đạo này mà bác bỏ đạo kia. Thăng Long có đền thờ thần núi (Tản Viên), thần sông (Tô Lịch), có Thăng Long tứ trấn, bốn ngôi đền thờ các vị thần trấn giữ bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được suy tôn thành đức Thánh Trần được thờ ở nhiều nơi. Đền thờ vị công chúa huyền thoại Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu và là người mẹ bất tử, một trong tứ bất tử của Việt Nam được thờ ở Phủ Tây Hồ bên bờ Hồ Tây.
Trong đền Ngọc Sơn hồ Hoàn Kiếm thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo. Xế cổng đền Ngọc Sơn lại có đền Bà Kiệu (Thiên Tiên Điện) thờ ba vị nữ thần: Liễu Hạnh Công chúa, Quỳnh Hoa và Quế Nương. Cùng với việc vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) trả gươm cho Rùa thần đã cho thấy lâu nay người Việt đã xem Hồ Gươm là vùng địa linh, nơi ngự trị của các vị thần. Lễ hội ở Thăng Long, trong đó có lễ hội thờ Mẫu là nơi tập trung nhiều người vừa giàu có, vừa có trình độ văn hóa hơn so với các nơi, có nhiều nét đặc sắc, độc đáo, thường được tổ chức bề thế, có quy mô lớn. Một số lễ hội mang tính chất tiêu biểu của cả nước, thông qua việc diễn lại các tích xưa tái hiện những chiến công hiển hách của dân tộc, vẻ hào hùng của quân dân ta đánh thắng quân xâm lược. Biết ơn và thờ cúng những anh hùng dân tộc trở thành một truyền thống của nhân dân Việt Nam và nhân dân Thăng Long – Hà Nội.
Từ đồng bằng Bắc bộ tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng di thực vào trung và nam trung bộ, rồi Nam bộ chịu những biến đổi mang sắc thái địa phương. Trong đó Hà Nội tiêu biểu cho đồng băng Bắc bộ, Huế cho Trung bộ và Sài gòn cho Nam bộ. Quê hương tín ngưỡng thờ Mẫu xưa nay vẫn được xác định là vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ gắn với các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.. nhưng theo đánh giá hiện nay của các nhà nghiên cứu văn hóa thì trung tâm của tín ngưỡng này đã chuyển dịch về Hà Nội. “Đồng bằng Bắc bộ tiêu biểu là Hà Nội, trung tâm khởi xuất của tín ngưỡng Tứ Phủ mà nghi lễ đặc trưng của nó là Lên Đồng. Ở đây, tín ngưỡng này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Đạo giáo Trung Quốc, do vậy hệ thống thần linh đã được định hình, các đền miếu, việc thờ cúng, các quy tắc lễ nghi đã quy củ. Cũng tại đây, hình thức Đạo Mẫu và Lên Đồng cũng sớm cung đình hóa, quy chế hóa, đã tổ chức các cuộc thi hát Cung văn, có nhiều danh sỹ tham gia đặt các bài văn Chầu bằng chữ Hán, hay chữ Nôm…Phong các Hát Văn và Lên Đồng mang tính cổ điển, quy phạm, những sinh hoạt này phần nào nặng về tín ngưỡng hơn là sinh hoạt văn hóa, nặng tính cung đình, thượng lưu hơn là dân dã” (Ngô Đức Thịnh – Lên Đồng hành trình của thần linh và thân phận). Ngày nay, do không phải hầu vụng trộm như trước đây Hầu đồng càng ngày càng nở rộ ở Hà Nội. Cùng với việc nhiều Việt Kiều trở về Hà Nội trở về với cội nguồn, nơi sinh ra Đạo Mẫu và Lên đồng để được hầu ở “đền to phủ lớn”, đền chính thờ các vị Thánh của tín ngưỡng, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm Lên đồng và làm các nghi lễ liên quan từ một đồng thầy cũng tạo ra sự sôi động không khí hầu đồng tại Thủ đô (Nguyễn Thị Hiền)
Nhiều Thanh đồng, Cung văn từ các tỉnh về Hà Nội sinh sống và làm việc. Ngược lại cũng nhiều người từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố thực hành và truyền thụ nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống tín ngưỡng dân tộc. Đặc điểm nổi bật là Hà Nội đóng góp đội ngũ các ngũ các đồng thày, đồng quan, pháp sư, cung văn đã có công to lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của Đạo Mẫu tiêu biểu. Điểm dễ nhận thấy của cư dân nơi đây là tính đa dạng về nguồn gốc. Khi hội tụ về Thăng Long không chỉ mang theo lối sống, nghề nghiệp mà còn đem theo cà những thói quen tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng, tạo nên tính đa dạng trong đời sóng văn hóa vật chất cũng như tinh thần của thành phố này. Tiêu biểu là Cụ đồng Phó Thị Xuân,hiệu Hoa Đào (1910-2005), trụ trì Nguyên Khiết Linh Từ, Cụ đồng Đỗ Thị Dương ( 1905 – 2001) tức Cụ đồng Xuân trụ trì đền Sòng Sơn Vọng từ, Cụ đồng Trang Công Thịnh ( 1937-2010) trụ trì đền Dâu, Cụ đồng Cao Sơn Hải ( 1924-2003) phố Nguyễn Khuyến, Cụ Nguyễn Văn Tiến, trụ trì đền An Thọ…. Các Cung văn: Phạm Văn Khiêm, Ngô Bá Đảm, Lê Bá Cao, Hoàng Trọng Kha, Nguyễn Văn Tuất, Chu Đức Duyệt… và các lứa học trò là Đồng thày: Lưu Ngọc Đức, Nguyễn Tiến Nghĩa, Nguyễn Tất Kim Hùng, Trang Công Tuấn… các Cung văn Hồng Tĩnh Chén, Nguyễn Viết Châu, Nguyễn Văn Đảm, Nguyễn Hà Cân, Nguyễn Hà Vinh, Bùi Quốc Thi; Thao Giang, Văn Ty, Khắc Tự. Văn Chung, Phạm Thanh Long,Lương Trọng Quỳnh, Nguyễn Trọng Dực, Đinh Công Hạnh….
Trong công cuộc đổi mới của đất nước trong những năm qua đã đạt được những thành công quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội, bảo vệ tổ quốc.. Lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng cũng có những chuyển biến căn bản, trên cả phương tiện nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn. Ngày nay, trong xu thế quốc tế và toàn cầu hóa diễn ra trên thế giưới. Việt Nam cũng đang hòa nhập vào xu thế đó, vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như thế nào là hết sức cần thiết. Chúng ta đã nhận rõ tác hại của việc mất bản sắc văn hóa dân tộc. Điều quan trọng là phải tìm ra những biện pháp giữ gìn và phát huy những yếu tố tích cực của bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Đi tìm Tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng của Thăng Long – Hà Nội chỉ là bước khởi đầu nhưng cũng trong quy trình đó. Bài viết không tham vọng chỉ ra đặc trưng tín (phong cách) ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng của Thăng Long-Hà Nội. Và cũng không có mục đích đề cao, tách bạch tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng của Hà Nội với các địa phương khác. Mà chỉ với mục đích tìm ra khuynh hướng biến đổi của Hầu đồng giữa các địa phương. Nhất là sự chuyển hóa từ tín ngưỡng nông nghiệp, nông thôn sang tín ngưỡng thương nghiệp, đô thị cùng những tác động ngược lại của nó trong đời sống xã hội đương đại.
Theo Văn Hiến