Tín ngưỡng thờ cung Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những, thành tố tạo nên bàn sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trải qua bao biến cố của lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu truyền qua bao nhiêu thế hệ với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng xã hội và tồn tại qua mọi thể chế chính trị.
Lễ tế tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. (Nguồn: Bảo tàng Phú Thọ)
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bặn sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị Thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 6/12/2012, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng ấy – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là ghi nhận xứng đáng cho Việt Nam, nền văn hóa giàu bản sắc và nhiều ý nghĩa. Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam nhận được sự đồng thuận rất cao, và đây là lần đầu tiên một di sản văn hóa của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Cụ thể, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và khi được UNESCO công nhận, di sản sẽ khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.
Những đánh giá tốt nhất của UNESCO còn được ghi nhận ở góc độ “thực hành tốt nhất trong đời sống”, thể hiện rõ nhất là “Tín ngưỡng thời cúng Hùng Vương” được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng người dân Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, tín ngưỡng này còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được công nhận đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam. Và điều đó đã chứng minh cho cho toàn thế giới rằng văn hóa Việt Nam có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, và có đủ khả năng hòa mình trong dòng chảy của văn hóa thế giới.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hơn 90 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên dải đất Việt Nam đã lập tới 1.417 di tích thờ các Vua Hùng, rồi tổ chức giỗ Tổ hàng năm để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Đây thực sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hoá độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Và cũng là dịp quan trọng để Việt Nam chuyển tải ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo đã tồn tại hàng ngàn năm nay, thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
Vinh dự, tự hào khi tín ngưỡng thời cúng Hùng Vương đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng trách nhiệm cũng rất lớn khi có nhiều việc phía trước phải làm để phát huy và thúc đẩy các giá trị của di sản. Đặc biệt, làm sao để bảo tồn một cách khoa học để di sản văn hóa linh thiêng này tồn tại lâu dàu với những giá trị nguyên bản của nó.
Bùi Đạt