Tìm

Cà phê chồn Weasel, thức uống đắt nhất thế giới có giá khoảng 3.000 đô/kg

  • 20/03/2020 02:28
Ebiz - Cà phê chồn hay cà phê phân chồn là tên một loại cà phê đặc biệt, một thứ đồ uống được xếp vào loại hiếm nhất trên thế giới.

Loại cà phê này có nhiều ở Indonesia, trên các hòn đảo Sumatra, Java và Sulawesi. Từ Kopi luwak được dùng để chỉ một loại hạt do loài cầy vòi đốm ăn quả cà phê rồi thải ra, cũng bởi vậy mà thương hiệu cà phê Kopi Iuwak của Indonesia trở nên nổi tiếng.

Giới sành cà phê mê thích loại cà phê thượng hạng Kopi luwak này một phần vì nó rất thơm ngon, một phần cũng vì nó là loại cà phê có giá đắt nhất thế giới. Tại Indonesia hay những chốn sang trọng nào đó trên thế giới, nếu bạn muốn thưởng thức dòng cà phê này, bạn cần phải chi trung bình từ 35 – 100 USD/ly.

Cà phê chồn Weasel của Trung Nguyên trên thị trường có giá bán khoảng 17 triệu đồng/250gram

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cà phê Việt Nam cũng đã vượt đỉnh và được cho là đắt nhất thế giới, bởi sự xuất hiện của một loại cà phê thượng hạng – cà phê chồn Weasel. Loại cà phê này có giá vào khoảng trên dưới 3.000 USD/kg (hơn 60 triệu đồng/kg). Chỉ mỗi 250 gram cà phê chồn Weasel của Trung Nguyên đã có giá thị trường khoảng 17 triệu đồng.

Có những lúc người ta tin rằng, cà phê chồn chỉ là một câu chuyện huyền thoại, bởi ít ai hình dung được lại có một loại đồ uống được sản xuất từ phân chồn. Thế nhưng, huyền thoại ấy là có thật.

Người ta kể lại rằng, hàng năm, cứ vào mùa café từ tháng 8 đến tháng 12, hàng đêm những con chồn từ trong rừng lại vào những vườn café để thưởng thức món ăn mà chúng đặc biệt yêu thích, đó là những trái café chín mọng còn nguyên vẹn, mà chúng lựa chọn rất kỹ từ trên cây. Khi ăn trái cà phê, chúng nhả ngay vỏ mềm khó tiêu bên ngoài, nuốt nguyên trái gồm phần thịt và hạt. Ngay trong đêm, hệ thống tiêu hoá của các chú chồn hoạt động hết công suất. Để rồi khi chúng rời khỏi nơi dạ tiệc, những đống phân chồn bao bọc bởi những hạt café được để lại.

Và rồi mỗi sáng mai thức dậy, những người nông dân trồng café lại thu gom những đống phân chồn này, phơi khô chúng và làm thành café chồn, một loại café huyền thoại mà rất nhiều người được nghe nhưng hiếm người đã từng thực sự được uống. Và những ai đã từng được uống thì sẽ không bao giờ quên.

Phân chồn thải ra với nguyên các hạt cafe sau khi tiêu hóa là nguyên liêu làm nên giá trị của dòng cà phê đắt nhất hành tinh

Cũng bởi cà phê chồn có hương vị thơm ngon đặc trưng không như các loại cà phê thường nên những người sản xuất đều rất quan tâm tới loại cà phê này. Ngay cả những người nghiện cà phê cũng rất muốn được thưởng thức nó, nhưng khó lòng mà tìm được hàng chuẩn. Do số lượng sản xuất ra ít nên loại cà phê này chưa phổ biến là bao. Vì thế, giá cà phê chồn cũng luôn chiếm ở vị trí cao nhất trong bảng giá của loại đồ uống đặc biệt này.

Ở Việt Nam hiện nay, đội ngũ chồn ăn hạt và “sản xuất” phân hiện sống hoang dã rải rác khắp vùng Tây Nguyên như Buôn Mê Thuột, Kon Tum, Đắc Nông, với số lượng không nhiều như trước do nạn săn bắn. Theo đại diện của hãng cà phê Trung Nguyên, hiện tại nguồn nguyên liệu thô đã thu mua với giá từ 1 đến 10 triệu đồng mỗi kg (tùy thuộc vào chất lượng hạt cà phê, thành phần lẫn trong phân) từ nông dân và thương lái.

Sau đó, tiến hành sản xuất với nhiều tiêu chí cầu kỳ như thời gian từ lúc chồn cho ra sản phẩm đến lúc bắt đầu chế biến không nên quá 24 giờ, tiếp đến hạ thổ (đưa xuống lòng đất) 343 ngày. Khâu hạ thổ này rất quan trọng để cà phê phân rã vỏ một cách tự nhiên, thay vì dùng máy tách như thông thường. Cũng theo hãng cà phê này, thì hiện Trung Nguyên đã sản xuất được loại cà phê chồn đặc biêt với tên gọi Weasel và giá bán của nó hiện trên dưới 3.000 USD/kg, cao hơn nhiều so với Kopi Iuwak của Indonesia, được rao khoảng 600 USD/kg.

Khác với sản xuất theo kiểu nuôi nhốt và cho chồn ăn như ở Indonesia, cà phê chồn Việt Nam đắt là do quy trình sản xuất cầu kỳ và hoàn toàn bằng thủ công và phân chồn cũng đều được lấy từ tự nhiên.

Mặc dù vậy, nhưng đến cả những người có tiền cũng khó mà mua được loại cà phê chồn Weasel này, vì mỗi năm ở Việt Nam chỉ sản xuất được từ 40 đến 50 kg.

Bùi Đạt